Pháp luật về đầu tư tại Việt Nam


1.Hình thức đầu tư trực tiếp

Hình thức đầu tư trực tiếp gồm có các hoạt động đầu tư sau đây:

• Thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư trong nước hoặc 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài;

• Thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài;

• Đầu tư theo hình thức các Hợp đồng như: Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) hoặc Hợp đồng xây dựng, kinh doanh, chuyển giao (BOT), Hợp đồng xây dựng, chuyển giao, kinh doanh (BTO) hoặc Hợp đồng xây dựng, chuyển giao (BT);

• Đầu tư phát triển kinh doanh;

• Đầu tư mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư;

• Đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp.

Trong số các hình thức đầu tư được liệt kê ở trên, hình thức đầu tư truyền thống và phổ biến nhất là thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh và đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC. Trong thời gian gần đây, với sự phát triển của thị trường vốn, hình thức đầu tư bằng việc mua phần vốn góp, mua cổ phần của các công ty để trở thành thành viên, cổ đông và tham gia điều hành, quản lý hoạt động đầu tư đang ngày càng gia tăng.

Để thực hiện hoạt động đầu tư dưới hình thức thành lập công ty 100% vốn nước ngoài và công ty liên doanh, nhà đầu tư phải làm thủ tục để thành lập một pháp nhân tại Việt Nam. Ngoại trừ một số hạn chế về ngành nghề không được phép đầu tư hoặc hạn chế đầu tư theo cam kết WTO, pháp nhân này có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như công ty trong nước. Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài, họ có thể lựa chọn để thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh. Nếu nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức liên doanh, thì hình thức công ty để họ lựa chọn thành lập sẽ hạn chế hơn, gồm công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần và công ty hợp danh với sự có mặt của bên Việt Nam là điều bắt buộc.

Đầu tư theo hình thức BCC, BOT, BTO và BT là các hình thức đầu tư dựa trên cơ sở Hợp đồng. Hình thức đầu tư này không tạo ra pháp nhân, các bên có thể thỏa thuận việc phân chia lợi nhuận và lỗ hoặc phân chia sản phẩm hợp tác trong Hợp đồng. Hình thức đầu tư BCC thường được áp dụng trong các lĩnh vực viễn thông, dầu khí và bất động sản. Trong khi đó, các hợp đồng BOT, BTO, BT lại thường được sử dụng trong lĩnh vực giao thông và phát triển cơ sở hạ tầng.

[external_link_head] [external_link offset=1]

[external_link offset=2]

[external_footer]