Hướng dẫn phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ doanh nghiệp

* Mục đích:

– Đánh giá sự bền vững của dòng tiền doanh nghiệp trong quá khứ, khả năng tạo tiền và sự phù hợp của dòng tiền so với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp (dòng tiền của doanh nghiệp phát sinh từ hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính hay đầu tư? Có phù hợp với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp không?)

– Đánh giá được sự thịnh vượng hay khó khăn về dòng vốn của doanh nghiệp trong từng thời kỳ. Doanh nghiệp có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn bằng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh mà không ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp không?

1 – Lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ:

Để phân tích được báo cáo lưu chuyển tiền tệ, chúng ta cần hiểu rõ 2 phương pháp lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ: phương pháp trực tiếp và phương pháp gián tiếp. Tương ứng với mỗi phương pháp có mẫu báo cáo riêng, nhưng chỉ khác nhau ở phần lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh.

a. Phương pháp trực tiếp

Đặc điểm của phương pháp này là các chỉ tiêu được xác lập theo các dòng tiền vào và dòng tiền ra liên quan trực tiếp đến các nghiệp vụ chủ yếu, thường xuyên phát sinh trong các hoạt động của doanh nghiệp.

– Đối với hoạt động kinh doanh: Dòng tiền phát sinh chủ yếu từ hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ và việc thanh toán các khoản nợ phải trả liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Bao gồm: thu (từ bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác), chi (trả nợ cho người cung cấp hàng hóa, dịch vụ, trả lương cho người lao động, nộp thuế…).

– Đối với hoạt động đầu tư: Dòng tiền phát sinh chủ yếu từ việc mua sắm, thanh lý, nhượng bán TSCĐ; xây dựng cơ bản, hoạt động cho vay, mua bán các công cụ nợ của đơn vị khác, hoạt động đầu tư vào các đơn vị khác. Bao gồm: thu (thanh lý, nhượng bán TSCĐ, thu nợ cho vay, thu hồi các khoản vốn đầu tư vào đơn vị khác), chi (mua sắm TSCĐ, xây dựng cơ bản, chi cho vay, chi đầu tư vào các đơn vị khác).

– Đối với hoạt động tài chính: Dòng tiền phát sinh chủ yếu từ nghiệp vụ nhận vốn, rút vốn từ các chủ sở hữu và các nghiệp vụ đi vay, trả nợ vay. Bao gồm: thu (chủ sở hữu góp vốn, tiền vay nhận được), chi (trả vốn góp cho chủ sở hữu, tiền trả nợ vay).

b. Phương pháp gián tiếp

Theo quy định hiện nay, báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập theo phương pháp trực tiếp hoặc gián tiếp ở phần lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh, còn lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính vẫn được xác định theo phương pháp trực tiếp.

2 – Các nội dung phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ

* Đánh giá chung:

– Đánh giá lưu chuyển tiền thuần tại mỗi hoạt động của doanh nghiệp dương hay âm? Nếu lưu chuyển tiền thuần âm, cần phân tích nguyên nhân (do doanh nghiệp đang thừa tiền nên mở rộng đầu tư kinh doanh hay doanh nghiệp đang thực sự thiếu tiền, khả năng thanh toán ngắn hạn của doanh nghiệp đang có vấn đề, nếu như vậy cần phân tích kỹ vốn lưu chuyển).

– Xu hướng lưu chuyển tiền thuần trong quá khứ đến hiện tại của doanh nghiệp tăng, ổn định hay giảm? Qua đó đánh giá khả năng tạo tiền nhàn rỗi có thể sử dụng để đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh, nghiên cứu và phát triển… và dự báo xu hướng biến động trong tương lai

– Xác định nguồn cơ bản tạo ra tiền và sử dụng tiền từ các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư, hay hoạt động tài chính. Lưu chuyển tiền của doanh nghiệp được đánh giá tốt khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương và trang trải đủ chi phí vốn (bao gồm mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác).

Việc phân tích dòng tiền phải đặt trong bối cảnh kinh doanh hiện thời và tương lai phát triển của doanh nghiệp bởi đôi khi các giá trị cao lại phản ánh các rắc rối hơn là ưu thế. Một doanh nghiệp đang trải qua thời kỳ tăng trưởng chậm hoặc thị trường suy giảm lại có thể có một dòng tiền tương đối mạnh, bởi lẽ họ không có nhu cầu về đầu tư tài sản cố định hoặc vốn ngắn hạn. Ngược lại, các doanh nghiệp đang tăng trưởng mạnh lại có thể có dòng tiền âm vì cần đầu tư mạnh để hỗ trợ tăng trưởng. Trong trường hợp này chúng ta cần đánh giá ảnh hưởng qua lại giữa mặt tích cực của dòng tiền dương với nguy cơ là mức dương này không thể duy trì lâu dài và ngược lại giữa mặt tiêu cực của dòng tiền âm với triển vọng tốt đẹp khi các hoạt động đầu tư hiện thời sẽ mang lại lợi ích về dòng tiền trong tương lai.

* Phân tích lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh:

– Xác định các thành phần chính của lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh. Theo phương pháp gián tiếp, việc tăng hay giảm các khoản phải thu, hàng tồn kho, phải trả… có thể cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng tiền hay tạo ra tiền.

– Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương hay âm: Nếu âm, tìm nguyên nhân như: Do doanh nghiệp mới thành lập, đang trong giai đoạn phát triển nên cần tiền đầu tư; do bị lỗ trong hoạt động kinh doanh; do năng lực quản lý hàng tồn kho hoặc chính sách về hàng tồn kho, do phải thu không hiệu quả… Nếu dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm, doanh nghiệp sẽ phải dùng dòng tiền từ hoạt động tài chính (đi vay hoặc phát hành thêm cổ phiếu) để bù đắp cho khoản tiền bị thiếu hụt. Nếu tình trạng này kéo dài, chứng tỏ doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong vấn đề thanh toán, trả nợ vay.

– So sánh lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh với lợi nhuận trước thuế và doanh thu thuần (cao hơn hay thấp hơn, diễn biến cùng chiều hay ngược chiều qua các năm, và tìm nguyên nhân diễn biến ngược chiều). Đây là một dấu hiệu để kiểm tra chất lượng doanh thu. Nếu doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế và doanh thu thuần cao, nhưng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh lại rất thấp, chứng tỏ chất lượng doanh thu của doanh nghiệp có thể không cao (do không tạo tiền cho hoạt động kinh doanh mà chỉ là lợi nhuận trên sổ sách).

* Phân tích lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư:

Đánh giá các hoạt động mua sắm tài sản bằng tiền của doanh nghiệp: Bao nhiêu tiền đầu tư vào tài sản (bất động sản, nhà xưởng, máy móc thiết bị…); bao nhiêu tiền được đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác; và bao nhiêu tiền được đầu tư vào các tài sản có tính thanh khoản cao hơn như mua các công cụ nợ của các đơn vị khác. Đồng thời, phân tích lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư cũng cho biết dòng tiền thu được từ việc thanh lý, bán các loại tài sản nêu trên. Nếu doanh nghiệp đang tiến hành đầu tư vốn lớn, cần xem xét nguồn tiền nào được sử dụng để bù đắp cho các hoạt động đầu tư này (ví dụ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh hay từ hoạt động tài chính).

* Phân tích lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính:

– Dòng tiền từ hoạt động tài chính là van điều phối tiền cho các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư, đồng thời cũng tự giải quyết các nghĩa vụ trả nợ đến hạn bằng các nguồn tài chính khác.

– Phân tích lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính nhằm đánh giá doanh nghiệp hiện đang thừa hay thiếu tiền, qua đó đánh giá được chính sách huy động vốn (huy động gián tiếp từ các tổ chức tài chính qua việc nhận tiền vay hay trả nợ vay ngân hàng; hoặc huy động trực tiếp từ chủ sở hữu qua việc nhận vốn góp chủ sở hữu hay trả lại vốn góp cho chủ sở hữu) và chính sách chi trả cổ tức của doanh nghiệp (trả cổ tức bằng tiền mặt hay bằng hình thức khác như cổ phiếu thường).

Việc phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ còn được thực hiện dựa trên phương pháp phân tích tỷ lệ tài chính.

+ Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh trên doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế

[external_link_head] [external_link offset=1]

Công thức:

Tỷ suất LCTT từ HĐKD

trên DTT
= Lưu chuyển tiền tệ từ HĐKD
Doanh thu thuần

Ý nghĩa: Đây là chỉ tiêu đánh giá khả năng của doanh nghiệp trong việc chuyển doanh thu thuần thành tiền mặt, hay phản ánh chất lượng của doanh thu thuần từ đó doanh nghiệp có thể có nguồn thanh toán các khoản chi phí và đầu tư vào TSCĐ hay không?

Việc đánh giá chỉ tiêu này là rất quan trọng và là một trong những thước đo chính về kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này càng nhỏ phản ánh chất lượng của doanh thu thuần, có thể nguồn vốn của doanh nghiệp đang bị chiếm dụng, năng lực quản lý hoặc chính sách về hàng tồn kho… Khi đó, doanh nghiệp có thể phải sử dụng dự trữ tiền mặt hoặc tăng nợ vay để duy trì hoạt động kinh doanh.

+ Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh trên lợi nhuận trước thuế

Công thức:

Tỷ suất LCTT từ HĐKD

trên LNTT
= Lưu chuyển tiền tệ từ HĐKD
Lợi nhuận trước thuế

Ý nghĩa: Đây là chỉ tiêu đánh giá khả năng của doanh nghiệp trong việc chuyển lợi nhuận trước thuế thành tiền mặt, từ đó doanh nghiệp có thể có nguồn thanh toán các khoản chi phí và đầu tư vào TSCĐ hay không?

Việc đánh giá chỉ tiêu này là rất quan trọng và là một trong những thước đo chính về kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này càng nhỏ phản ánh chất lượng của lợi nhuận trước thuế, có thể nguồn vốn của doanh nghiệp đang bị chiếm dụng, năng lực quản lý hoặc chính sách về hàng tồn kho… Khi đó, doanh nghiệp có thể phải sử dụng dự trữ tiền mặt hoặc tăng nợ vay để duy trì hoạt động kinh doanh.

+ Lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh trên vốn chủ sở hữu

Công thức:

[external_link offset=2]

Tỷ suất LCTT từ HĐKD trên VCSH = Lưu chuyển tiền tệ từ HĐKD
Vốn chủ sở hữu

Ý nghĩa: Chỉ tiêu này mang ý nghĩa một đồng vốn chủ sở hữu tạo ra bao nhiêu tiền từ hoạt động kinh doanh. Chỉ tiêu này cũng phản ánh hiệu quả tạo tiền của doanh nghiệp.

[external_footer]