Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên thị trường ngoại tệ và một số hàm ý chính sách

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã liên tục đưa ra các thay đổi liên quan đến giá mua, bán USD…

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã liên tục đưa ra các thay đổi liên quan đến giá mua, bán USD. Theo đó, từ việc không niêm yết tỷ giá mua bán giao ngay, ngừng giao dịch ngoại tệ giao ngay, cho đến việc giảm sâu tới 150 đồng đối với giá mua USD kỳ hạn 6 tháng. Những hành động của NHNN đã hàm ý về việc sẽ duy trì chính sách tỷ giá USD/VND ổn định; theo đó, đồng VND sẽ không bị định giá thấp, mà ngược lại, còn có khả năng tăng giá trong tương lai. Những điều chỉnh tỷ giá của NHNN là phù hợp với diễn biến thị trường, giải tỏa được nghi ngờ của Mỹ đối với việc Việt Nam thao túng tiền tệ nhằm chiếm ưu thế trong thương mại. Bên cạnh đó, việc ổn định tỷ giá cũng được coi như là công cụ hữu hiệu trong việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Đến tháng 8 năm 2021, NHNN chuyển sang mua USD giao ngay thay vì kỳ hạn 6 tháng cũng là tín hiệu cho thấy thị trường đã trở lại trạng thái bình thường. 

 

[external_link_head]

Từ khóa: Chính sách tỷ giá, tỷ giá giao ngay, tỷ giá kỳ hạn, Việt Nam.

 

1. Bối cảnh chung và diễn biến tình hình

 

Năm 2020 là năm có nhiều biến động đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng. Dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia thực hiện chính sách bảo hộ thương mại, ví dụ, cấm xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu như lương thực và đồ bảo hộ y tế. Bên cạnh đó, các mặt hàng nhập khẩu thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản cũng được kiểm soát gắt gao nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh (Curran và cộng sự, 2021). Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, Chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”, xuất nhập khẩu Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi vào nửa cuối năm 2020 và tạo ra lực kéo thúc đẩy sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế (Hình 1). Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2020, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 545,36 tỷ USD; trong đó, giá trị xuất khẩu tăng 7% và giá trị nhập khẩu tăng 3,7%. Cán cân thương mại trong tháng 12/2020 thâm hụt 252 triệu USD. Tính cả năm 2020, cán cân thương mại của Việt Nam đạt thặng dư 19,95 tỷ USD. 

 

Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên thị trường ngoại tệ và một số hàm ý chính sách

 

Có thể thấy, vào cuối năm 2020, tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu tăng lên đột biến. Theo công thức về mối quan hệ giữa tỷ giá, tỷ trọng hàng hóa và lạm phát là: 

 

Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên thị trường ngoại tệ và một số hàm ý chính sách

 

Nhìn vào công thức cho thấy, với các nhân tố khác không đổi (PD và P*M không đổi), các nhân tố làm cho mặt bằng giá chung tăng (P tăng), tức gây lạm phát, gồm:

 

Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên thị trường ngoại tệ và một số hàm ý chính sách

Thực tế cho thấy, trong những tháng cuối năm 2020, tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu đã tăng mạnh, nên biện pháp kiểm soát tỷ giá E trở thành công cụ hữu hiệu trong việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam.

 

Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, quy định: 

 

“Điều 15. Chế độ tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam

 

1. Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện điều tiết tỷ giá hối đoái thông qua việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ và thực hiện phương án can thiệp trên thị trường ngoại tệ.

 

2. Chế độ tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định trên cơ sở rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư với Việt Nam phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ”.

 

Theo đó, NHNN sẽ can thiệp vào thị trường hối đoái với mục tiêu ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, phù hợp với các mục tiêu chung của chính sách tiền tệ. Trên thực tế, tỷ giá VND trong năm 2020 được neo tương đối ổn định với USD (Hình 2). Các hành động can thiệp của NHNN là phù hợp với nguyên tắc thị trường, với thông lệ quốc tế và không vi phạm về “thao túng tiền tệ” (Phạm và Nguyễn, 2021).

 

[external_link offset=1]

Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên thị trường ngoại tệ và một số hàm ý chính sách

 

Tuy nhiên, đến đầu năm 2021, NHNN đã bất ngờ không niêm yết tỷ giá ngoại tệ giao ngay và ngừng mua ngoại tệ giao ngay. Thay vào đó, NHNN yết tỷ giá kỳ hạn 6 tháng có thể hủy ngang đối với USD. Từ ngày 17/02/2021, NHNN đã giãn tần suất mua can thiệp trên thị trường ngoại hối chỉ còn 1 lần trên tuần và đến ngày 08/6/2021, NHNN ngừng áp dụng hủy ngang. Nhìn chung, vào thời điểm cuối tháng 6/2021 giá mua USD kỳ hạn 6 tháng đã được NHNN điều chỉnh giảm tối đa là 150 đồng so với giá USD giao ngay vào đầu năm 2021. Đầu tháng 8/2021, NHNN tiếp tục giảm giá mua USD trên Sở giao dịch NHNN nhưng đã ngưng hoạt động mua kỳ hạn mà chuyển sang mua USD giao ngay. Có thể tóm tắt hoạt động điều chỉnh giá mua USD của NHNN thành năm điểm chính: 

 

Thứ nhất, ngừng yết giá mua USD giao ngay và ngừng mua ngoại tệ giao ngay.

 

Thứ hai, kéo dài thời gian mua USD kỳ hạn lên thành 6 tháng thay vì 3 tháng như trước đây.

 

Thứ ba, giá mua USD kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh giảm liên tục.

 

Thứ tư, hủy bỏ điều khoản có thể hủy ngang đối với các hợp đồng kỳ hạn được ký từ tháng 6/2021. 

 

Thứ năm, vào ngày 11/8/2021, NHNN đã ra quyết định tiếp tục hạ giá mua USD và thay đổi phương thức mua kỳ hạn sang giao ngay. 

2. Hàm ý của chính sách

 

Việc NHNN ngừng mua ngoại tệ giao ngay và liên tục giảm giá mua USD kỳ hạn là động thái cho thấy, NHNN đang muốn làm chậm lại việc tăng dự trữ ngoại hối nói chung, đặc biệt là USD. Hành động này sẽ có tác động trực tiếp làm cho tỷ giá USD/VND không tiếp tục tăng và có thể có xu hướng chững lại trong những tháng cuối năm 2021. Trên thực tế, vào ngày đầu tiên bỏ niêm yết tỷ giá USD giao ngay, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã có dấu hiệu giảm nhẹ. Việc NHNN cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép hủy ngang hợp đồng kỳ hạn thực chất là cho phép các NHTM có thể thanh lý hợp đồng kỳ hạn trước hạn, tức chuyển các hợp đồng kỳ hạn chưa đến hạn thành hợp đồng giao ngay. Do đó, ý nghĩa là công cụ chính sách của các hợp đồng kỳ hạn bị suy giảm. Do đó, ngày 08/6/2021, NHNN đã chính thức không cho phép hủy ngang các hợp đồng kỳ hạn đã ký kết, điều này hàm ý rằng, VND không chịu áp lực giảm giá trị trong 6 tháng cuối năm 2021. Về mặt học thuật, thì tỷ giá kỳ hạn chính là tỷ giá giao ngay dự tính của thị trường tại thời điểm đến hạn. Ta có công thức:

Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên thị trường ngoại tệ và một số hàm ý chính sách

 

Việc NHNH ấn định tỷ giá kỳ hạn 6 tháng được ký kết vào giữa năm 2021 và đến hạn cuối năm 2021 được cho là thông điệp chính sách phát đi từ NHNN rằng: “tỷ giá giao ngay tại thời điểm cuối năm 2021 sẽ biến động xoay quanh tỷ giá giá kỳ hạn”. Như vậy, tỷ giá kỳ hạn đến hạn cuối năm 2021 có thể được xem là tỷ giá mục tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.    

 

Như vậy, việc NHNN điều chỉnh giá mua USD kỳ hạn theo hướng không để VND giảm giá kỳ hạn có tác động đến việc ổn định tỷ giá USD/VND, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô mà không tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng theo mục tiêu của chính sách tiền tệ đã đặt ra. 

 

Thứ nhất, việc NHNN không niêm yết tỷ giá giao ngay và ngừng mua ngoại tệ giao ngay, mà thay vào đó là việc niêm yết giá mua kỳ hạn chứng tỏ NHNN đã chủ động và tự tin trong việc kiểm soát tỷ giá cho đến cuối năm 2021. Vì tỷ giá kỳ hạn chính là tỷ giá giao ngay kỳ vọng của thị trường tại thời điểm hợp đồng kỳ hạn đến hạn, điều này chứng tỏ NHNN có khả năng dự báo và kiểm soát tỷ giá USD/VND trong thời hạn tương đối dài mà không cần can thiệp vào thị trường ngoại hối trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, động thái điều chỉnh giảm giá mua kỳ hạn USD hàm ý việc củng cố giá trị của VND so với USD. Trên thực tế, tính đến tháng 4/2021, tỷ giá USD/VND đã tương đối ổn định khi tỷ giá trung tâm chỉ tăng 52 đồng, tương ứng với 0,3% so với đầu năm 2021 (Hình 3). 

 

Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên thị trường ngoại tệ và một số hàm ý chính sách

 

Hơn nữa, việc NHNN ngừng mua ngoại tệ giao ngay, tức ngừng can thiệp vào thị trường giao ngay (không còn là người can thiệp cuối cùng), đã tạo ra cơ chế thị trường thực sự trên thị trường ngoại tệ giao ngay; theo đó, tỷ giá giao ngay USD/VND sẽ biến động tự do theo quy luật cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối. 

 

Thứ hai, NHNN đã sử dụng tỷ giá như một công cụ hữu hiệu để kiềm chế lạm phát. Theo lý thuyết ngang giá sức mua (PPP), biến động tỷ giá được đo bằng công thức:

Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên thị trường ngoại tệ và một số hàm ý chính sách

 

Do tác động của dịch Covid-19, lạm phát của Mỹ đã đạt mức 4,16% vào tháng 4 năm 2021 (Hình 4). Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho rằng, đây chỉ là xu hướng nhất thời và lạm phát sẽ ổn định trở lại vào năm 2022. Các tổ chức như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều đồng tình với FED và dự đoán rằng, mức lạm phát từ năm 2022 của Mỹ sẽ dao động trong mức 1,7 đến 2,5% một năm. Trong khi đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 là 4%, phù hợp với dự báo của IMF, khi cho rằng mức lạm phát của Việt Nam sẽ được duy trì ổn định ở mức 4% một năm (Hình 5). Như vậy, theo Học thuyết ngang giá sức mua, thì tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ ổn định và có thể không tăng trong năm 2021. Đây được xem là cơ sở khoa học để NHNN tiến hành các hợp đồng kỳ hạn 6 tháng mua USD với mức tỷ giá thấp hơn tỷ giá giao ngay hiện hành. Hơn nữa, việc duy trì tỷ giá ổn định trong những tháng cuối năm còn có tác động đến việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam trong năm 2021. 

 

Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên thị trường ngoại tệ và một số hàm ý chính sách

Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên thị trường ngoại tệ và một số hàm ý chính sách

 

Thứ ba, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng 66%, chiếm 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước. So với 4 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 54% (Hình 6); đồng thời, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam đối với các mặt hàng thiết bị cơ giới, công cụ, linh kiện,… là những máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho đầu vào sản xuất trong nước. Do đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nếu tỷ giá CNY/VND tăng quá mức sẽ gây khó khăn thực sự cho các doanh nghiệp nhập khẩu nói riêng, có thể dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất của nền kinh tế nói chung và gây áp lực lạm phát cho nền kinh tế.

 

Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên thị trường ngoại tệ và một số hàm ý chính sách

 

Xét về góc độ quan hệ tỷ giá, tương quan giá trị giữa USD và CNY là khó dự đoán, song xu hướng diễn biến thị trường từ cuối năm 2020 sang nửa đầu năm 2021 cho thấy, USD đang có xu hướng giảm giá với CNY (Hình 7). Điều này cũng logic về lý luận, đó là, lạm phát được dự báo trong năm 2021 của USD là 3,4% và CNY là 1,9%, nên USD được kỳ vọng sẽ giảm giá và CNY được kỳ vọng sẽ lên giá. 

 

Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên thị trường ngoại tệ và một số hàm ý chính sách

Xu hướng USD giảm giá so với đồng CNY trong thời gian qua cũng là nhân tố khiến cho NHNN phải có phản ứng chính sách kịp thời. USD giảm giá với CNY; trong khi đó, VND lại được neo giá trị với USD thì thực chất là VND cũng giảm giá với CNY và nếu NHNN tiếp tục để VND giảm giá với USD, thì VND thực chất là đã giảm 2 lần với CNY. Việc VND giảm giá sâu so với CNY là một lo ngại thực sự khi mà đầu vào cho nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.   

 

Như vậy, thông qua việc điều chỉnh giảm giá mua USD kỳ hạn trong những tháng cuối năm 2021, NHNN đã phát đi tín hiệu về chính sách tỷ giá mục tiêu là sẽ chủ động không để VND giảm giá so với USD. Kết quả là, VND tránh được việc phải giảm giá 2 lần so với CNY. Có thể nói, hành động điều chỉnh giá mua USD kỳ hạn 6 tháng của NHNN có tác động tích cực đến tình hình nhập khẩu, bảo đảm sản xuất của nền kinh tế được ổn định, không bị đứt gãy, nhất là trong bối cảnh đại dịch như hiện nay.  

 

[external_link offset=2]

Thứ tư, về tương quan lãi suất và tỷ giá của USD và VND:  Nhằm hạn chế tình trạng đô la hóa, Việt Nam đã có những biện pháp mang tính chính sách như Quyết định số 2589/QĐ-NHNN ngày 17/12/2015 của Thống đốc NHNN thì mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD là 0%. Mức lãi suất này là rất kém hấp dẫn nếu so với mức lãi suất tiền gửi bằng VND tại các NHTM. Mức lãi suất tiền gửi bằng VND kỳ hạn 1 năm dao động trung bình từ 5% đến 7%. Tuy nhiên, do lượng kiều hối và số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI chảy vào Việt Nam lớn, nên lượng USD ngoài ngân hàng và nhu cầu găm giữ ngoại tệ, đặc biệt là USD, sẽ là rất lớn (Phạm và Nguyễn, 2020). Do đó, hành động điều chỉnh giảm giá mua USD kỳ hạn của NHNN càng khiến cho USD kém hấp dẫn trong mắt người dân đang nắm giữ USD, là cơ hội để Việt Nam loại trừ tình trạng đô la hóa. 

 

Thứ năm, hành động điều chỉnh tỷ giá mua USD kỳ hạn được xem là sự nỗ lực của NHNN trong đàm phán với Bộ Tài chính Mỹ. Năm 2020, Mỹ đưa Việt Nam và Thụy Sĩ vào danh sách điều tra các quốc gia “thao túng tiền tệ”. Theo đó, Mỹ cáo buộc Việt Nam can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ nhằm hạ giá VND. Tuy nhiên, với hành động không niêm yết tỷ giá giao ngay và không mua giao ngay USD, thì các NHTM đã bị hạn chế trong việc bán USD giao ngay cho NHNN. Thay vào đó, việc niêm yết kỳ hạn USD là minh chứng chứng tỏ NHNN sẽ không can thiệp vào thị trường một cách liên tục. Với các hợp đồng kỳ hạn 6 tháng cho thấy, NHNN sẽ chỉ can thiệp vào thị trường ngoại tệ với chu kỳ 6 đến 12 tháng. Như vậy, hành động của NHNN đã hạn chế vi phạm tiêu chí về “can thiệp” của Bộ Thương mại Mỹ. Hơn thế nữa, việc liên tục có những đợt điều chỉnh giảm giá mua USD kỳ hạn cho thấy, trong tương lai, tỷ giá USD/VND được giữ ổn định hoặc giảm. Do đó, NHNN đã xóa bỏ đi nghi ngờ của Mỹ về việc can thiệp vào thị trường nhằm điều chỉnh giảm giá VND, từ đó kích thích hoạt động xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới nói chung và sang Mỹ nói riêng. Sự nỗ lực này đã được đền đáp khi vào ngày 19/7/2021, NHNN và Bộ Tài chính Mỹ đã đạt được tuyên bố chung về vấn đề chính sách tiền tệ của Việt Nam. Bà Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã đánh giá cao những nỗ lực và cam kết của NHNN trong việc điều hành chính sách tỷ giá, cũng như giải quyết được các lo ngại về “thao túng tiền tệ” từ Bộ Tài chính Mỹ đối với Việt Nam.

 

Thứ sáu, những động thái mới nhất của NHNN cho thấy, các hành động trước đó đã thực sự có những kết quả tích cực và thị trường đã trở lại trạng thái bình thường. Ngày 11/8/2021, NHNN đã giảm giá mua vào USD trên Sở Giao dịch NHNN và ngừng mua hợp đồng kỳ hạn, quay trở lại mua USD giao ngay.

 

Hành động tiếp tục giảm giá mua USD trên Sở Giao dịch NHNN vào ngày 11/8/2021 đã tiếp tục củng cố tín hiệu về chính sách tỷ giá mục tiêu là sẽ không để USD tăng giá so với VND cho đến hết năm 2021. Không những thế, do tỷ giá liên ngân hàng đã giảm 1% tính từ lần điều chỉnh giảm giá mua USD kỳ hạn 6 tháng của NHNN, việc NHNN tiếp tục giảm giá mua USD là hoàn toàn phù hợp với diễn biến của thị trường trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ đang dồi dào. 

 

Bên cạnh đó, hành động ngừng mua ngoại tệ kỳ hạn, chuyển sang mua USD giao ngay của NHNN là biểu hiện cho thấy, thị trường đã trở lại trạng thái bình thường. Với việc thành công đưa ra tuyên bố chung về vấn đề chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Việt Nam vào ngày 19/7/2021, cáo buộc “thao túng tiền tệ” và các đe dọa về áp dụng biện pháp hạn chế thương mại đã chính thức được phía Mỹ gỡ bỏ. Trong bối cảnh này, các hành động điều chỉnh tỷ giá, can thiệp vào thị trường ngoại tệ của NHNN là vô cùng cần thiết nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo tính thông suốt của thị trường ngoại tệ giao ngay, nơi mà NHNN với vai trò người mua bán cuối cùng là điều không thể thiếu. Thực vậy, việc ngừng mua USD kỳ hạn, chuyển sang mua USD giao ngay sẽ giúp cho thị trường được bổ sung một lượng VND tức thời, từ đó tạo điều kiện giúp cho các NHTM có thể tiếp tục hạ lãi suất. Bên cạnh đó, cũng nhờ vào khoản cung tiền lớn và ngay lập tức này, thanh khoản hệ thống được kỳ vọng sẽ duy trì trạng thái dồi dào, từ đó bình ổn được lãi suất liên ngân hàng. 

3. Kết luận

 

Tỷ giá là một biến số kinh tế, vừa là sản phẩm cung cầu của thị trường và vừa chịu tác động chính sách của chính phủ. Việc đồng nội tệ được định giá cao hay định giá thấp có thể tạo ra ưu thế hay bất lợi trong cạnh tranh thương mại với các nước. Việt Nam là nước đang phát triển, có nền kinh tế thị trường với độ mở cửa cao, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt gấp 2 lần GDP; do đó, tỷ giá đã trở thành nhân tố quan trọng, tác động nhanh và mạnh đến hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng. Việc điều hành chính sách tỷ giá của NHNN không những nhằm tạo ra môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, kiềm chế lạm phát, mà còn bảo đảm công bằng trong cạnh tranh thương mại giữa các nước. Đây được xem là sự thành công của Việt Nam đã được phía Hoa Kỳ hoan nghênh và đánh giá cao. Đồng thời, thông qua hoạt động trên thị trường ngoại hối, NHNN đã phát đi tín hiệu rõ ràng về chính sách tỷ giá mục tiêu trong nửa cuối năm 2021.

Tài liệu tham khảo:

1. Curran, L., Eckhardt, J. and Lee, J. (2021) ‘The trade policy response to COVID-19 and its implications for international business’, critical perspectives on international business.

 

2. Hải quan Việt Nam (2021), Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và 12 tháng/2020, retrieved on July 24th 2021, from <https://www.customs.gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/ViewDetails.aspx?

ID=1901&Category=Tin%20v%E1%BA%AFn%20th%E1%BB%91ng%20k%C3%AA&Group=Ph%C3%A2n%20t%C3%ADch>.


 

3. Ngân hàng Nhà nước (2015), Quyết định số 2589/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng Đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngăn hàng nước ngoài, ban hành ngày 17/12/2015.

 

4. Pham, M.H. và Nguyen, V.T. (2021) ‘Một số đánh giá về cáo buộc thao túng tiền tệ của 

Hoa Kỳ đối với Việt Nam’. Kinh tế và Phát triển, 285, 2.

 

5. U.S Department of Treasury (2021), Joint Statement from the U.S. Department of the Treasury and the State Bank of Vietnam, retrieved on July 24th 2021, from <https://home.treasury.gov/news/press-releases/jy0280>.

6. U.S inflation forecast, retrieved on July 21st 2021, from <https://knoema.com/kyaewad/us-inflation-forecast-0976080346-and-long-term-to-2030-data-and-charts?fbclid=IwAR25iVhRoc8v0ZOOnTU4z9vw2BzwK0mjUSvfWVzzN92BsOeVyQz4mLyhPBc>.

 

7. Vietnam: Inflation rate from 1986 to 2026, retrieved on July 21st 2021, from <https://www.statista.com/statistics/444749/inflation-rate-in-vietnam/?fbclid=IwAR3HuA6asgHUveui-N3dxX1RHcb2ofBMo1m1vkWWyQ2xsWK9pwaJhmbP_0k>.

 

8. Một số tài liệu liên quan khác.

GS., TS. Nguyễn Văn Tiến

Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế, Học viện Ngân hàng

ThS. Đỗ Phú Đông 

 Giảng viên Khoa Kinh doanh quốc tế, Học viện Ngân hàng

[external_footer]