Giá sàn (Price Floor) trong kinh tế vi mô là gì?

Giá sàn (tiếng Anh: Price Floor) là một trong những cách điển hình thể hiện sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động của thị trường trên cơ sở mô hình cầu – cung.

Giá sàn (Price Floor) trong kinh tế vi mô là gì?

[external_link_head]

Giá sàn

Khái niệm

Giá sàn trong tiếng Anh gọi là: Price Floor.

Giá sàn là mức giá tối thiểu mà nhà nước qui định. Trong trường hợp này, người mua không thể trả giá với mức giá thấp hơn giá sàn. 

Khi định ra giá sàn về một loại hàng hoá, nhà nước muốn bảo vệ lợi ích của những người cung ứng hàng hoá. 

Khi nhà nước cho rằng mức giá cân bằng trên thị trường là thấp, nhà nước có thể qui định một mức giá sàn – với tính cách là một mức giá tối thiểu mà các bên giao dịch phải tuân thủ – cao hơn. 

[external_link offset=1]

Khi không được mua, bán hàng hoá với mức giá thấp hơn giá sàn, trong trường hợp này, những người bán hàng hoá dường như sẽ có lợi. Nhờ việc kiếm soát giá của nhà nước, họ có khả năng bán hàng hoá với mức giá cao hơn giá cân bằng thị trường.

Một biểu hiện của việc định giá sàn là chính sách tiền lương tối thiểu. 

Khi qui định mức lương tối thiểu cao hơn mức lương cân bằng trên thị trường (và chỉ trong trường hợp này, chính sách giá sàn mới có ý nghĩa), nhà nước kì vọng rằng những người lao động sẽ khấm khá hơn, nhờ có được mức lương cao hơn.

Giá sàn (Price Floor) trong kinh tế vi mô là gì?

Hình 1: Hoạt động của thị trường lao động khi có chính sách tiền lương tối thiểu

Hình 1 cho thấy một chính sách như vậy có thể dẫn đến những hậu quả gì. 

Khi chưa có sự can thiệp của nhà nước, thị trường lao động cân bằng tại điểm E, nơi mà đường cầu DL và đường cung SL về lao động cắt nhau. Mức lương cân bằng là w*, số lượng lao động cân bằng là L*. 

Giả sử nhà nước qui định mức lương tối thiểu là w1 cao hơn mức lương cân bằng w*. Tại mức lương w1, lượng cầu về lao động của các doanh nghiệp giảm xuống thành LD1, trong khi lượng cung về lao động lại tăng lên thành LS1. 

Thị trường rơi vào trạng thái không cân bằng, với một lương dư cung là (LS1 – LD1). Lượng dư cung này biểu thị số người thất nghiệp, tức những người muốn đi làm với mức lương w1 song lại không tìm được việc làm. 

Do chính sách của nhà nước, tiền lương không thể tự điều chỉnh theo hướng hạ xuống để “khử” lượng dư cung nói trên. Nói cách khác, thị trường không còn khả năng tự điều chỉnh để trở về trạng thái cân bằng. 

[external_link offset=2]

Như vậy, có thể thấy, mặc dù chính sách tiền lương tối thiểu được thiết kế nhằm bảo vệ lợi ích của những người lao động, song nó lại có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề. 

Những người được lợi nhờ chính sách này chỉ nằm trong số những người lao động may mắn có được việc làm, và số lượng những người này ít hơn trước (LD1 so với L*). 

Trong khi đó, số người thất nghiệp tăng lên (trong ví dụ của chúng ta, trước kia trên thị trường không tồn tại hiện tượng thất nghiệp). Trong số này có cả những người trước đây vẫn tìm được việc làm do lượng cầu về lao động là L* cao hơn LD1. 

Ngoài ra, do trên thị trường tồn tại hiện tượng dư cung, thế mặc cả giữa những người thuê mướn lao động và những người cung ứng lao động cũng khác trước. Những người thuê mướn lao động sẽ có một vị thế tốt hơn để có thể đưa ra những qui định bất lợi cho những người muốn xin việc. 

Rõ ràng, chính sách tiền lương tối thiểu nói riêng, cũng như chính sách giá sàn nói chung cũng có thể gây ra những tổn hại đáng kể cho những người mà ban đầu chính sách này muốn bảo vệ.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Vi mô, PGS.TS. Phí Mạnh Hồng, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội)

[external_footer]