Bán phá giá là gì? Các quy định về chống bán phá giá

Bán phá giá là gì? Làm thế nào để xác định một mặt hàng bán phá giá? Có những quy định nào về chống bán phá giá hiện nay? Tất cả sẽ được giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.

Bán phá giá là gì?

Bán phá giá (tiếng Anh là dumping) là hiện tượng hàng hóa xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với giá thấp hơn giá của mặt hàng đó ở thị trường nước xuất khẩu với mục đích loại trừ đối thủ cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài hoặc tìm kiếm ngoại tệ khẩn cấp.

[external_link_head]

Còn theo Điều 4, Pháp lệnh giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 do Quốc hội ban hành, bán phá giá được định nghĩa như sau:

“Bán phá giá là hành vi bán hàng hoá, dịch vụ với giá quá thấp so với giá thông thường trên thị trường Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường, hạn chế cạnh tranh đúng pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khác và lợi ích của Nhà nước”

Bán phá giá là gì? Các quy định về chống bán phá giá

 Bán phá giá là gì?

Ví dụ: Một công ty A sản xuất mặt hàng tivi, bán tivi PANASONIC với giá 300 USD/chiếc trong nước nhưng xuất khẩu TV cùng loại PANASONIC tới thị trường nước khác và bán với giá 230 USD/chiếc. Lúc này công ty này đã thực hiện hành động bán phá giá. 

Phân loại bán phá giá

Bán phá giá được phân thành 2 loại sau đây:

Bán phá giá chớp nhoáng hay bán phá giá độc quyền

Là hình thức bán giá xuất khẩu tạm thời thấp hơn giá nội địa để tăng sức cạnh tranh, loại trừ đối thủ. Khi đã đạt được mục đích thì mức giá sẽ được nâng lên ở mức giá độc quyền. 

Phá giá độc quyền là hành vi vi phạm nguyên tắc cạnh tranh vì bản chất của nó là hành vi nhằm độc quyền hóa. Phá giá độc quyền làm hủy hoại cạnh tranh và là nguyên nhân trực tiếp gây ra những bất ổn về kinh tế.

Phá giá độc quyền được chia làm 2 loại:

  • Phá giá chiến lược: Là hành vi bán phá giá nằm trong một chiến lược cạnh tranh tổng thể của nước xuất khẩu
  • Phá giá cướp đoạt: Là hành vi định giá thấp nhằm mục đích đẩy đối thủ cạnh tranh vào tình trạng phá sản để giành vị trí độc quyền tại nước nhập khẩu

Bán phá giá không độc quyền

Bán phá giá không độc quyền được thể hiện ở 2 loại hình thức sau:

[external_link offset=1]

  • Bán phá giá bền vững hay còn gọi là chính sách phân biệt về giá cả bán phá giá bền vững là xu hướng bán sản phẩm trên thị trường thế giới với giá thấp hơn giá nội địa nhằm cực đại lợi nhuận của nhà sản xuất, xuất khẩu.
  • Bán phá giá không thường xuyên (Phá giá chu kì): Là bán giá xuất khẩu thấp để tránh rủi ro của thị trường thế giới và giải quyết vấn đề khó khăn về tài chính mà công ty đang cần giải quyết gấp. Đây là hình thức phá giá mà nhiều doanh nghiệp sử dụng nhằm giải quyết hậu quả của việc sản xuất quá dư thừa loại hàng hóa đó.

Ngoài 2 loại trên, bán phá giá còn được chia thành 2 loại:

  • Bán phá giá đảo ngược hay bán phá giá mở rộng thị trường: Là định giá đối với thị trường nước ngoài cao hơn so với trong nước. Đây là việc nhà sản xuất bán hàng hóa với giá cao ở trong nước nhằm hỗ trợ cho giá thấp ở thị trường xuất khẩu.
  • Bán phá giá qua lại: Đây là loại bán phá giá tạo ra sự chênh lệch về giá (khi hàng hóa trong nước và nước ngoài không có sự khác biệt về giá), từ đó thương mại quốc tế sẽ xảy ra.

Mục đích bán phá giá

Bán phá giá được xem là biện pháp được thực hiện cho các mục đích:

  • Biện pháp ngắn hạn để đối phó với tình hình suy thoái trong nước khi mà sản lượng một hàng hóa nào đó dư ra và được bán tháo ra nước ngoài.
  • Một chiến lược dài hạn được áp dụng nhằm mục đích thâm nhập thị trường xuất khẩu hoặc đẩy đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường.

Tuy nhiên, dù vận dụng với mục đích nào thì bán phá giá vẫn được xem là hình thức buôn bán không công bằng và bị các hiệp định thương mại cấm áp dụng. Đấy là lý do mà nhiều quy định về chống bán phá giá ra đời. 

Quy định của pháp luật về chống bán phá giá

Các quốc gia thường coi hành vi bán phá giá trong quan hệ thương mại quốc tế là một hành vi khó chấp nhận và cần phải có biện pháp đối phó. Chính vì vậy cho đến nay đã có nhiều quy định về chống bán phá giá. Cụ thể:

Hiệp định về Chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO)

Tên đầy đủ của hiệp định này là Hiệp định về việc Thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 (GATT 1994). 

Điều VI của GATT 1994 cho phép các quốc gia thành viên được quyền đưa ra những biện pháp thích hợp nhằm “bảo vệ” ngành sản xuất trong nước khi mà ngành này bị “thiệt hại thực sự” từ hành vi bán phá giá từ phía đối tác nước ngoài. 

Để áp dụng biện pháp chống bán phá giá, nước nhập khẩu là thành viên WTO phải chứng minh được ba điều kiện sau:

  • Có hành động bán phá giá: được tính bằng độ chênh lệch giữa giá của mặt hàng nhập khẩu với giá của mặt hàng tương tự bán tại thị trường của nước xuất khẩu (gọi là biên độ phá giá).
  • Có thiệt hại vật chất đối với ngành sản xuất của nước nhập khẩu đang cạnh tranh trực tiếp với hàng nhập khẩu.
  • Hành động bán phá giá là nguyên nhân gây ra thiệt hại vật chất, hoặc đe dọa gây ra thiệt hại vật chất nêu trên.

Khi thỏa mãn 3 điều kiện trên, Hiệp định cho phép thành viên WTO được phép áp dụng biện pháp chống bán phá giá với mặt hàng nhập khẩu bị điều tra. Có thể như áp thêm một khoản thuế nhập khẩu đối với sản phẩm bị coi là bán phá giá nhằm đưa mức giá của sản phẩm đó xấp xỉ với “giá trị thông thường” của nó hoặc để khắc phục thiệt hại đối với ngành sản xuất của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, biện pháp chống bán phá giá chỉ mang tính tạm thời nhằm loại trừ ảnh hưởng tiêu cực của hàng hoá nhập khẩu phá giá trên thị trường quốc gia nhập khẩu. Cho nên các quốc gia chỉ được phép áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hoá nhập khẩu thời hạn tối đa là 5 năm.

Theo quy định của Hiệp định này, điều tra chống bán phá giá sẽ kết thúc ngay lập tức mà không đưa ra biện pháp chống bán phá giá nào nếu cơ quan chức năng xác định rằng biên độ phá giá không đáng kể (nhỏ hơn 2% giá xuất khẩu). 

Điều tra cũng chấm dứt nếu khối lượng hàng bán phá giá là không đáng kể (khối lượng hàng phá giá từ một nước bị điều tra nhỏ hơn 3% tổng nhập khẩu, đồng thời tổng khối lượng hàng phá giá từ tất cả các nước bị điều tra nhỏ hơn 7% tổng nhập khẩu).

Tất cả các thành viên phải báo cáo chi tiết cho Ủy ban phụ trách các Hành động Chống bán Phá giá của WTO khi họ bắt đầu tiến hành điều tra sơ bộ cũng như khi đưa ra kết luận cuối cùng. Theo đó, các nước thành viên phải báo cáo tổng kết hai lần mỗi năm cho Ủy ban tất cả những cuộc điều tra của họ. 

Bán phá giá là gì? Các quy định về chống bán phá giá

Pháp luật đưa ra nhiều quy định khác nhau về chống bán phá giá

Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam 

Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 20/2004/PL-UBTVQH11 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2004. Pháp lệnh này quy định các biện pháp cụ thể mà Chính phủ Việt Nam có thể áp dụng khi có hành vi bán phá giá từ phía đối tác nước ngoài vào thị trường Việt Nam. 

Theo pháp lệnh này, hàng hóa có xuất xứ từ nước hoặc vùng lãnh thổ bị coi là bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam nếu hàng hoá đó được bán với giá thấp hơn giá thông thường theo quy định:

  • Biên độ bán phá giá là khoảng chênh lệch có thể tính được giữa giá thông thường của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam so với giá xuất khẩu hàng hóa đó vào Việt Nam.
  • Biên độ bán phá giá không đáng kể là biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.

Giá thông thường của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự đang được bán trên thị trường nội địa của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường.

Trong trường hợp không có hàng hóa tương tự được bán trên thị trường nội địa của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hoặc có hàng hóa tương tự được bán trên thị trường nội địa của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu nhưng với khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa không đáng kể thì giá thông thường của hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam được xác định theo một trong hai cách sau đây:

  • Giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu đang được bán trên thị trường một nước thứ ba trong các điều kiện thương mại thông thường;
  • Giá thành hợp lý của hàng hoá cộng thêm các chi phí hợp lý khác và lợi nhuận ở mức hợp lý, xét theo từng công đoạn từ sản xuất đến lưu thông trên thị trường của nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hoặc nước thứ ba.

Biện pháp chống bán phá giá chỉ được áp dụng đối với hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam khi có hai điều kiện sau đây:

  • Hàng hoá bị bán phá giá vào Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;
  • Việc bán phá giá hàng hoá quy định tại khoản 1 Điều này là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Các biện pháp chống bán phá giá

Biện pháp chống bán phá giá chính là tất cả các biện pháp mà nước nhập khẩu có thể sử dụng để chống lại hiện tượng bán phá giá của hàng nhập khẩu (sau khi có kết luận cuối cùng khẳng định có việc bán phá giá gây thiệt hại đáng kể). Hầu hết trong nhiều trường hợp, biện pháp chống bán phá giá là áp đặt thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu. 

Biện pháp chống bán phá giá còn có thể là các hạn ngạch nhập khẩu hoặc kết hợp giữa hạn ngạch nhập khẩu và thuế chống bán phá giá. Các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu được quy định trong luật bán phá giá.

Tại Việt Nam, các biện pháp chống bán phá giá đã được quy định tại Điều 4 Pháp lệnh chống bán phá giá số 20/2004/PL-UBTVQH11. Cụ thể:

[external_link offset=2]

“Điều 4. Các biện pháp chống bán phá giá

1. Áp dụng thuế chống bán phá giá.

2. Cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp chống bán phá giá của Việt Nam hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp chống bán phá giá của Việt Nam đồng ý”.

Bán phá giá là gì? Các quy định về chống bán phá giá

Chống bán phá giá bằng cách áp dụng thuế (ảnh minh họa)

Một số câu hỏi liên quan đến bán phá giá

Thuế bán phá giá là gì?

Theo Điều 4, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, thuế bán phá giá hay thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Đối với thuế chống bán phá giá, cơ quan điều tra chống bán phá giá của mỗi nước sẽ quyết định mức thuế chống bán phá giá trên cơ sở biên độ phá giá, theo nguyên tắc mức thuế này có thể tương đương hoặc nhỏ hơn biên độ phá giá. Cơ quan điều tra sẽ xác định biên độ phá giá và mức thuế chống bán phá giá riêng cho từng nhà sản xuất, xuất khẩu. 

Tại Việt Nam, thuế chống bán phá giá cần được áp dụng theo điều kiện, nguyên tắc và thời hạn như sau:

Điều kiện áp dụng:

  • Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;
  • Việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Nguyên tắc áp dụng:

  • Thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết, hợp lý nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước;
  • Việc áp dụng thuế chống bán phá giá được thực hiện khi đã tiến hành Điều tra và phải căn cứ vào kết luận Điều tra theo quy định của pháp luật;
  • Thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam;
  • Việc áp dụng thuế chống bán phá giá không được gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế – xã hội trong nước.

Thời hạn áp dụng: Thuế chống bán phá giá được áp dụng với thời hạn không quá 05 năm, kể từ ngày quyết định áp dụng có hiệu lực. Trường hợp cần thiết, quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có thể được gia hạn.

Biên độ bán phá giá là gì?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam năm 2004, biên độ bán phá giá là khoảng chênh lệch có thể tính được giữa giá thông thường của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam so với giá xuất khẩu hàng hóa đó vào Việt Nam.

Bán phá giá hối đoái là gì?

Bán phá giá hối đoái hay phá giá tiền tệ (tiếng Anh là Currency Devaluation) là biện pháp chủ động làm giảm giá trị đồng nội tệ so với ngoại tệ, nghĩa là làm cho tỉ giá hối đoái danh nghĩa tăng lên. 

Mục đích của phá giá tiền tệ:

  • Kích thích hoạt động xuất khẩu, các hoạt động kinh tế, dịch vụ đối ngoại có thu ngoại tệ, đồng thời hạn chế nhập khẩu và các hoạt động đối ngoại khác phải chi ngoại tệ. Từ đó góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và làm cho tỷ giá hối đoái danh nghĩa tăng lên.
  • Khuyến khích nhập khẩu vốn, kích thích các dòng ngoại tệ kiều hối, đồng thời hạn chế các dòng vốn chảy ra nước ngoài (xuất khẩu vốn) nhằm mục đích tăng cung ngoại tệ làm cho tỷ giá hối đoái danh nghĩa tăng lên.

Một khi chính sách phá giá tiền tệ được đưa ra sẽ có sự tác động theo hai hướng như sau:

  • Vì muốn phá giá tiền tệ, ngân hàng trung ương phải bỏ nội tệ ra mua ngoại tệ. Nghĩa là phát hành thêm tiền vào nền kinh tế, làm tăng lượng tiền mạnh. Cung tiền được tăng theo cấp số nhân.
  • Khi phá giá tiền tệ trong trường hợp các yếu tố khác không đổi thì sức cạnh tranh của hàng trong nước tăng lên. Xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm, do đó xuất khẩu ròng tăng, dẫn đến tăng tổng cầu, có sự dịch chuyển và những thay đổi như tăng sản lượng, thu nhập và công ăn việc làm.

Với những thông tin trên đây hy vọng bạn đã hiểu về bán phá giá, chống bán phá giá cũng như các biện pháp chống bán phá giá được áp dụng trong thương mại quốc tế.  [external_footer]